Chi tiết tin

Chọn thuốc trị viêm mũi dị ứng trong thai kỳ
06/12/2017

SKĐS - Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là chứng bệnh hay gặp nhất trong các bệnh dị ứng và có xu hướng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là chứng bệnh hay gặp nhất trong các bệnh dị ứng và có xu hướng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. VMDƯ với các triệu chứng hắt hơi nhiều, ngứa mũi, chảy nước mũi, kích ứng mắt... gây phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Việc dùng thuốc chữa VMDƯ cho bà bầu sao cho an toàn là vấn đề cần lưu ý.

Phân biệt VMDƯ và viêm mũi thai kỳ

Việc mang thai thường gây ra sung huyết và phù nề niêm mạc mũi. Gần 1/3 bà bầu có các triệu chứng nghẹt mũi khi mang thai - gọi là viêm mũi thai kỳ. Viêm mũi thai kỳ không có dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp và nguyên nhân gây dị ứng không rõ. Bệnh nhân nghẹt mũi liên tục, kèm theo tiết dịch mũi lỏng. Nghẹt mũi có thể dẫn đến thở bằng miệng vào ban đêm và giảm chất lượng giấc ngủ.

Phụ nữ mang thai nên thận trọng lựa chọn thuốc trị viêm mũi dị ứng.

 

Sinh lý bệnh của viêm mũi thai kỳ chưa được biết rõ. Có ý kiến cho làdo sự thay đổi nồng độ estrogen và /hoặc progesterone, mặc dù có rất ít bằng chứng cụ thể.

VMDƯ và viêm mũi thai kỳ không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được, bệnh viêm mũi có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thai bằng cách ảnh hưởng đến dinh dưỡng thai kỳ, giấc ngủ, hoặc căng thẳng. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy viêm mũi không kiểm soát được có thể là nguyên nhân gây ra ngáy ngủ, điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và thai chậm phát triển trong tử cung. Không kiểm soát được bệnh viêm mũi cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn đi kèm hoặc dẫn đến viêm xoang trong quá trình mang thai.

Thuốc điều trị VMDƯ cho phụ nữ mang thai

Glucocorticoid dạng xịt mũi:

Glucocorticoid đường mũi có hiệu quả cao đối với VMDƯ và được coi làthích hợp để sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ có thai nên sử dụng liều thấpnhất mà vẫn hiệu quả. Không có sự khác biệt lớn về hiệu quả hoặc tính an toàn giữa các dạng bào chế glucocorticoid dùng đường mũi. Như vậy, nếu một bệnh nhân đã sử dụng bất kỳ chế phẩm glucocorticoid đường mũi nào và được kiểm soát tốt, việc tiếp tục sử dụng chế phẩm đó trong thời gian mang thai là điều hợp lý.

Thuốc kháng histamin:

Thuốc kháng histamin đường uống ít hiệu quả hơn để làm giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi trong điều trị VMDƯ so với glucocorticoid đường mũi. Một số nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn của thuốc kháng histamin trong thời kỳ mang thai. Hầu hết phụ nữ mang thai có nhu cầu dùng thuốc kháng histamin thích hợp nhất với thế hệ hai như: acrivastin, cetirizin, loratadin, mizolastin và terfenadin… bởi vì các thuốc này ít có tác dụng an thần và tác dụng phụ cholinergic cũng thấp hơn so với thế hệ một (alimemazin, chlopheniramin, promethazin). Loratadin và cetirizin có thể được coi là lựa chọn đầu tay trong thời kỳ mang thai. Đã có dữ liệu an toàn của các thuốc này trên một số lượng lớn bệnh nhân mang thai.

Thuốc xịt mũi kháng histamin: Chưa có dữ liệu về tính an toàn trên người của azelastine hoặc olopatadine dạng xịt mũi, mặc dù nghiên cứu trên động vật cho thấy an toàn. Cho đến khi có thêm thông tin, nên tránh sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai, trừ khi bệnh nhân chỉ đáp ứng với duy nhất một trong hai thuốc trên trước khi mang thai.

Thuốc co mạch làm thông mũi, giảm sung huyết:

Thuốc co mạch dùng tại chỗ (naphazolin, oxymetazolin,xylometazolin…): có thể được sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 3 ngày) để làm giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi nặng. Có một số dữ liệu về tính an toàn trên người của oxymetazolin dùng đường mũi khi sử dụng ngắn hạn có thể chấp nhận trong thai kỳ. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được cảnh báo về sự phụ thuộc thuốc nếu sử dụng kéo dài.

Thuốc co mạch, thông mũi đường uống: Tốt nhất nên tránh hoàn toàn sử dụng thuốc thông mũi đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ do nguy cơ không chắc chắn về một dị tật bẩm sinh hiếm gặp mà các thuốc này gây ra, đó là hở thành bụng.

Thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi kết hợp: Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có triệu chứng nghẹt mũi đáng kể thường báo cáo giảm triệu chứng nhiều hơn khi được điều trị kết hợp một thuốc kháng histamin và pseudoephedrin (một chất chống co mạch, giảm sung huyết đường hô hấp trên) so với sử dụng đơn lẻ một trong hai loại thuốc trên. Tuy nhiên, cần lưu ý pseudoephedrin được khuyến cáo nên tránh sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc. Khi có những biểu hiện bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo, vì thuốc có thể an toàn với người này nhưng lại nguy hiểm cho người khác. Đặc biệt với bà bầu bị chứng dị ứng, việc dùng thuốc càng phải thận trọng hơn vì họ có cơ địa rất nhạy cảm. Việc dùng thuốc không đúng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Nguồn: DS. Thanh Hoài - http://suckhoedoisong.vn.