Truy cập nội dung luôn

Thông báo Thông báo

Già hóa dân số nhanh cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt với rất nhiều chủ trương, chính sách cũng như các văn bản định hướng, chỉ đạo thực hiện. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số năm 2003, bức tranh dân số nước ta đã thay đổi căn bản. 
 
 
      Chúng ta đã kiểm soát tốt tỷ lệ phát triển dân số, cụ thể tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% (1960) xuống chỉ còn 1,06% (2012). Từ đó, quy mô dân số nước ta ổn định, tính đến ngày 01/4/2014, dân số Việt Nam đạt 90.493.352 người, gồm 44.618.668 nam (chiếm 49,3%) và 45.874.684 nữ (50,7%). 05 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng giảm mạnh từ 6,3 con (1960) xuống còn 2,05 (2012); tuổi thọ bình quân của người dân cũng tăng từ 40 tuổi (1960) lên 73 tuổi (2012). 
 
      Tuy vậy, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song quy mô dân số vẫn khá lớn, đứng thứ 13 thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số rất lớn, mật độ dân số rất cao (260 người trên 1km2, gần gấp đôi Trung Quốc). Tại Tiền Giang, tính chất "đất chật, người đông" thể hiện càng rõ nét hơn. với diện tích 2.509,3 km2, dân số 1.705.767 người, thì  mật độ dân số đạt đến 680 người trên 1km2. Bên cạnh đó, chất lượng dân chưa được nâng lên nhiều, rồi mất cân bằng giới tính khi sinh, và nhất là tốc  độ già hóa dân số quá nhanh,… là những vấn đề nóng, nếu không được nghiên cứu giải quyết kịp thời sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề về mặt xã hội, kinh tế thậm chí về an ninh chính trị trong tương lai.
 
      Kể từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", có nghĩa là, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có hai người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi). Hay nói một cách khác, bình quân hai người lao động nuôi một người phụ thuộc. Thời kỳ đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của bất kỳ một quốc gia nào. Đây là một cơ hội "vàng" khi sử dụng một lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010-2020. Sau giai đoạn dân số vàng sẽ bước sang giai đoạn dân số già. Khoảng cách giữa hai giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào tốc độ già hóa dân số.

      "Già hóa dân số" hay còn gọi là giai đoạn "dân số đang già" là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn "dân số già" còn gọi là giai đoạn "dân số đã già" là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. "Dân số siêu già" là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên.
 
      Tại nước ta, từ sự phát triển của kinh tế xã hội, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và khoa học y học nói riêng, cùng với cuộc sống yên bình tại nước ta, thì cuộc sống của người dân đã được kéo dài, tuổi thọ tăng lên. Đây là một trong những thành tựu to lớn của công tác chăm sóc sức khỏe cũng như của công tác công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bởi vì ước muốn của loài người là được sống thọ, sống khỏe. 
 
      Tuy nhiên, khi tuổi thọ người dân tăng lên, thì tốc độ già hóa dân số cũng tăng nhanh, trở thành thách thức, hạn chế việc tận dụng thời cơ dân số vàng để tập trung nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế xã hội.
 
      Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ bước vào giai đoạn "già hoá dân số" vào năm 2017. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng nhanh người cao tuổi, đến 1/4/2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,2% và như vậy, nước ta đã bước vào giai đoạn "già hoá dân số"  ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo. Tại Tiền Giang, tỷ lệ người 60 tuổi trở lên năm 2012 là 11,25% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,67%; cho nên, Tiền Giang bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2012. 
 
      Còn việc chuyển từ giai đoạn dân số già hóa sang dân số đã già, thì các nước có khác nhau, như Pháp trải qua 115 năm; Thụy Điển 85 năm; Hoa Kỳ 70 năm; Nhật Bản 26 năm. Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê dự báo là khoảng 20 năm; nhưng với tốc độ tăng nhanh tỷ lệ người cao tuổi thì nước ta có thể bước vào giai đoạn dân số già sớm hơn nữa. 
 
      Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều các vấn đề. Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định. Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi nước ta hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính  như  các bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa…tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao và tất yếu tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện vốn chưa được giải quyết dứt điểm. Những vấn đề này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để đối phó với việc dân số già hóa nhanh hơn dự báo.
                                      
                                                            Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
 
      Luật Người cao tuổi đã được ban hành từ ngày 23/11/2009  là cơ sở pháp lý cao nhất bảo quyền và lợi ích chính đánh cho những người cao tuổi. Các văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện cũng đã được xây dựng như Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 cùng các thông tư của các Bộ ngành Trung ương, là hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn để các địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa Luật Người cao tuổi.
 
      Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 11/6/2013 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chung là phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Nội dung của Kế hoạch đã đề ra 08 hoạt động cụ thể để tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao đời sống vật chất người cao tuổi và chủ động chuẩn bị cho tuổi già.
 
      Căn cứ Kế hoạch số 95/KH-UBND, Sở Y tế Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và khám bệnh cho người cao tuổi, đặc biệt quan tâm chữa bệnh cho người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa , bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh. Các bệnh viện thành lập khoa Lão khoa khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực; lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho người cao tuổi trong hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi. Đối với các Trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế, hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe, đồng thời lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, quản lý bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại địa phương, hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng người cao tuổi bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác. Bên cạnh đó, trạm y tế sẽ cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sở Y tế Khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi. Sở Y tế cũng phối hợp liên ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để người cao tuổi tự phòng bệnh. Tuy nhiên, kinh nghiệm tổ chức thực hiện việc khám bệnh cho những người cao tuổi tại tỉnh cho thấy rằng, khi tập trung tại một điểm thì mọi đối tượng đều như nhau, không còn mang tính chất "ưu tiên" như khi khám tại những khoa khác, bởi lẽ, ai cũng cao tuổi cả. Thậm chí, rất nhiều trường hợp mà người cao tuổi hơn nhưng lại khỏe mạnh hơn, còn đi lại được so với người ít tuổi hơn, nhưng phải được cõng hoặc đi xe lăn, dẫn đến nhiều tình huống rất khó xử, cán bộ y tế phải khéo léo thuyết phục để sắp xếp ưu tiên theo tình trạng bệnh tật chứ không ưu tiên theo tuổi.
 
      Nước ta đã dần hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương như viện lão khoa, các khoa lão khoa để trực tiếp trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hệ thống y tế cơ sở cũng đã từng bước đưa vào quản lý và hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Cùng với nhu cầu của xã hội, sẽ hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe do người dân tự tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi và gia đình tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách chủ động, tự tin, lạc quan để thực hiện phương châm "già hóa chủ động", thì người cao tuổi vẫn có thể sống vui, sống khỏe, sống tốt nếu biết cách chung sống với các loại bệnh tật của mình. Rõ ràng việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi vừa là trách nhiệm, thể hiện đạo lý, văn hóa sống của dân tộc, cộng đồng, vừa thể hiện tính ưu việt của chế độ nhà nước XHCN, nhất là trong lúc tốc độ già giá dân số rất nhanh của nước ta hiện nay. Chúng ta đã, đang và sẽ quan tâm hơn nữa trong đầu tư xứng đáng về vật chất và nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi  - nguyên khí của quốc gia - góp phần  nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, hoàn thành thật tốt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.
 
 BS CKII Trần Thanh Thảo.

Tin liên quan
Cải cách hành chánh    17/11/2022
Bảng giá thu viện phí    14/06/2022
Bảng giá thu viện phí    14/06/2022
Báo cáo kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện    10/05/2022
PHÂN TUYẾN KỸ THUẬT    10/05/2022
Quyết định số 295/QĐ-SYT Công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2021    26/04/2022
Ý NGHĨA CỦA NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21-4    05/04/2022
Quyết định công nhận đề tài, sáng kiến cấp cơ sở năm 2017    17/03/2022
Số: 266/TB-BVPS Tiền Giang, ngày 16 tháng 3 năm 2022    16/03/2022
Quyết định công nhận đề tài, sáng kiến    26/08/2021

Liên kết Liên kết

Bản đồ Bản đồ